Saturday 18 September 2021

Một chút suy nghĩ vào ban sáng

 Đêm qua mới thử không dùng phone trước đi ngủ 30 phút, vào hiển nhiên mình dễ vào giấc ngủ hơn, ngủ một giấc thấy sâu hơn, và sảng khoái hơn nhiều vào buổi sáng. Và có lẽ do mình mệt nhiều, nên gần đây đêm nào ngủ cũng mơ, và có những giấc mơ rất lạ.
Như hôm qua lại mơ về ông bác vừa mất, ổng hiện về trong “giấc mơ của giấc mơ” để nhắn nhủ mình gì đó, sau đó khi “tỉnh dậy trong giấc mơ”, mình lại cảm thấy ổng nhắn nhủ rất sống động. Đôi khi tự hỏi có phải những giấc mơ của mình là do sự dồn nén những tâm thức, những xúc cảm đè nén lâu dài, trong mơ mới được bộc phát?
Anyways, từ giấc mơ làm buổi sáng khi mình thức dậy, điều đầu tiên mình nghĩ đến là cái sự chóng vánh ở đời này. Như ông bác mình chả ai đoán nổi ổng sẽ ra đi sớm vậy, sớm mà chưa kịp làm gì. Mà đâu phải chỉ ổng, còn rất nhiều người khác cũng vậy. Mình chợt nhận ra mình đang gặp khủng hoảng hiện sinh.
Rốt cuộc đời người có nghĩa gì không? Sống đó rồi chết đó, như một cơn gió thoảng qua, hay như một bông hoa nở rồi lại tàn. Rốt cuộc, tất cả những gì ta làm nó có ý nghĩa gì cho đời hay không? Hay chính nó cũng là hư ảo và thoáng qua, rồi cũng sẽ tan biến, kể cả danh dự, kể cả công trạng, kể cả một bệnh nhân ta cứu được họ hôm nay, nhưng rồi nay mai- hay vài năm sau, hay mười năm sau nữa họ cũng sẽ chết, vì đó là bản chất của con người cũng như những gì thuộc về con người?
Từ khủng hoảng hiện sinh, là câu hỏi mà chắc chắn ai cũng sẽ gặp- người hay suy tư thì gặp sớm, người vô tư lo chè chén thì đến lúc sắp lìa đời mới ngỡ ra- ta mới có 3 hướng suy nghĩ chính (hoặc có thể nhiều hơn nhưng trong 1 buổi sớm mai mình chỉ nghĩ được vậy)

   - Nếu đời người rồi cũng sẽ đi, vậy sao không tận hưởng, thỏa mãn hết những gì ngon lành, tốt đẹp, khêu gợi trên đời, để khi nhắm mắt xuôi tay ta không còn gì hối tiếc? (chủ nghĩa khoái lạc)
    Hay tiếp tục chìm vào khoảng tối của cuộc sống, tiếp tục để bản thân bị nhấn chìm trong khoảng tối của hiện sinh, của cuộc đời, của sự vô nghĩa? (chủ nghĩa hư vô)
   Hay nhận ra vì mình không còn nhiều thời gian, vì cuộc sống của mình rồi cũng mất, nên cố gắng sống cho đúng, cho trọn hết phần đời còn lại của mình sao cho nó đáng giá là một con người đúng nghĩa nhất, điều cũng đồng nghĩa với việc là chấp nhận dòng chảy của tự nhiên? (chủ nghĩa khắc kỷ)


Ý thứ hai thực ra chỉ là ý sơ khai, ý trung gian, vì từ ý này bắt buộc dẫn người ta đến những chủ nghĩa còn lại, hoặc tiếp tục dấn sâu vào khoảng tối, trầm cảm và tự sát (!?).
Nhưng mình muốn nói về ý thứ 3 hơn, vì 2 ý đầu nhân loại đã có nhiều người làm theo như thế rồi. Vậy ý thứ 3 là thế nào và nó có thực sự tốt đẹp hơn 2 ý kia không?


Trước hết, con người vốn bản chất cũng là một loài vật. Nhưng con người là sinh vật thượng đẳng nhất trên Trái Đất này. Tại sao lại vậy? Vì con người có tư duy, có quan điểm, có sự tự đánh giá, tự đặt ra những khái niệm trừu tượng khác từ tư duy như đạo đức, pháp luật, các chủ nghĩa, sự nhận thức…. Nhưng vì cũng là một phần của tự nhiên, thì đòi hỏi con người phải chấp nhận quy luật tự nhiên đã vạch sẵn: sinh ra, ăn uống, tiêu thụ, sản xuất, sinh con đẻ cái, già, bệnh và chết đi. Vậy nếu một người chỉ tuân theo những đòi hỏi của phần “con”, những ham muốn tầm thường, thì tự hỏi con người có phải đã tự đem mình ngang hàng với những loài vật khác như chó, mèo, bò… hay không? Ngay cả khi làm vậy, dù ở mức cố gắng điều độ nhưng lại không đi kèm với chủ nghĩa khắc kỷ (tức không dấn thân hoàn thiện mình, làm cho tốt nhất vai trò của mình mà chỉ lo hưởng thụ), thì vẫn không làm cho họ khác súc vật bao nhiêu (nếu có khác thì chắc chỉ ở chỗ con người có quần có áo, có nhiều cách hưởng thụ hơn chúng). Phải hiểu rằng, con người sinh lão bệnh tử, tức cũng là một phần của tự nhiên, thì con người phải tuân theo tự nhiên. Chỉ nhằm thỏa mãn những ham muốn của mình không phải thuận theo tự nhiên, vì chính tự nhiên đã đặt cho con người những năng lực để làm những việc cao cả hơn là ăn không ngồi rồi.
→ một con người thuận theo tự nhiên đó là phải làm cho tốt bổn phận của mình, phải rèn luyện tư duy, đạo đức, phải chịu trách nhiệm tốt nhất cho những thứ thuộc tầm kiểm soát


Ý thứ hai, 2 chủ nghĩa khoái lạc và khắc kỷ, cái nào lợi hơn? Cứ cho là một người nói “kệ mẹ tự nhiên, tao sống theo ý tao” đi, thì rốt cuộc lúc đó có cách nào chứng minh cho họ là khắc kỷ, xông pha dấn thân phấn đấu mới là lối sống cho họ nhiều điều lợi nhất chứ không phải hưởng lạc an nhàn ngày qua ngày? Nhìn thì có vẻ sẽ dễ đồng tình với lạc thú, vì nó cho ta cái lợi sỗ sàng có ngay trước mắt. Nhưng hãy nhìn kĩ lại! Và nhớ lại ví von của Plato: một người đau đớn cùng cực, khi vừa hết bệnh hết đau đớn thì anh ta thấy nhẹ nhõm, thảnh thơi và hạnh phúc, nhưng hạnh phúc của anh ta chỉ là tương đối, vì thiếu vắng sự đau khổ, chứ không phải hạnh phúc thực sự. Sự thể tương tự như một người ở một cái tháp gồm phần đỉnh, phần giữa và phần đáy; anh ta ở phần giữa và không biết đến phần đỉnh, đột ngột bị đẩy xuống phần đáy, sau đó trồi được lên phần giữa thì sẽ vẫn nghĩ là phần giữa là phần cao nhất của tháp. Cũng vậy, hưởng lạc thú, những cái hạnh phúc có liền ngay trước mắt và (tương đối) dễ thỏa mãn ấy (ít ra là so với những cái khắc kỷ cố đạt được thì minh nói nó dễ hơn), người ta sẽ dễ sai lầm cho rằng đó là những lạc thú tốt nhất thế gian. Nhưng nào đâu phải vậy, vì họ có biết đến hạnh phúc đích thực là gì đâu! Hãy nhớ câu chuyện về người đàn ông không có chiếc áo lót lại là người hạnh phúc nhất của một vương quốc, hay các nho sĩ ngày xưa thường thích sống ẩn dật, vui thú Côn Sơn Ca hơn là đấu đá giành lợi lộc, để ít nhất có một cái mường tượng khá rõ ràng rằng có những thứ hạnh phúc vĩ đại hơn cả những thứ hạnh phúc mà nhân loại đa số quá coi trọng (danh, lợi, thú). Hạnh phúc thực sự ấy, triết gia Hi Lạp xưa gọi là eudaimonia, chỉ có thể kiếm được qua việc giữ vững các đức hạnh. Và một quy luật của vũ trụ là, cái nào dễ kiếm thấy sẽ không giá trị bằng những gì khó đạt được, và dĩ nhiên sẽ không bền vững bằng, sẽ không bao giờ thấy đủ đầy hay thỏa mãn hoàn toàn. Người lo hưởng khoái lạc sẽ không ngừng tìm kiếm và lấp đầy cơ thể mình những dục vọng, nhưng họ sẽ mãi không cảm thấy đủ đầy, rằng tâm hồn họ trống vắng thứ gì đó, và kết quả là, trong một đêm tối sau một ngày dài ăn chơi nhậu nhẹt sa đọa, trong đêm tối cô độc như thế, đối diện với chính tâm hồn mình, để rồi cũng lại trầm uất rơi vào chủ nghĩa hư vô, và cảm thấy linh hồn mình đói khát trống rỗng. Nhưng người cố gắng hoàn thiện mình, làm tốt những gì trong tầm kiểm soát bản thân, để vươn tới những đức hạnh cao cả nhất, sẽ cảm thấy tâm hồn hạnh phúc thư thái. Họ có quan tâm gì tới tiếng tăm để lại cho đời, hay của cải họ đạt được, hay những thú vui họ bỏ lỡ không? Chắc chắn là không, vì họ hiểu rằng những thứ đó là thoáng qua và không giúp họ thỏa mãn hoàn toàn được, họ dĩ nhiên cũng tận hưởng những thứ đó nhưng trong chừng mực mà sự khôn ngoan cho phép, và không hoàn toàn để bản thân bị điều khiển bởi những thứ đó.
Và để nói cho rõ điểm này, con người là một phần của vũ trụ, nên phải tuân theo những quy luật không sao tránh được. Như Đức Chúa cho con voi sức khỏe để nó có thể quật ngã cây, đánh bại sư tử, hay cho con ngựa chạy nhanh để tránh bị săn đuổi, cho con đại bàng sải cánh rộng và mắt tinh tường để săn mồi; thì Đức Chúa là Chúa Thượng cũng cho con người trí tuệ. Trí tuệ để tìm hiểu về mọi thứ, để học tập, để vươn tới những đức hạnh cao cả nhất. Nếu con chó biết ngày mai nó chết, hiển nhiên ngày hôm nay nó vẫn là con chó, vẫn phải sống như một con chó và làm việc của một con chó. Nó chỉ dừng khi nó mệt mỏi, khi nó bệnh hoạn hay hết sức lực, và không thể nào nó đòi làm một con gì khác được. Cũng vậy, nếu con người mình biết chắc chắn mình sẽ chết (khoản này rõ ràng mình còn nhận thức tốt hơn hẳn mấy con vật khác), thì hôm nay, ngày mai mình vẫn phải làm người, vẫn phải sống sao cho chu toàn bổn phận của một con người; mà điều đó, có nghĩa là cố gắng học tập và đạt được những đức hạnh, bên cạnh việc làm cho tốt những gì mình kiểm soát được. Con người biết mình sẽ chết, mà còn quay ra đòi hưởng lạc an nhàn, thì có khác gì đòi quay về xin Chúa cho mình làm súc vật tầm thường, vẫy đuôi ngoe nguẩy quanh chủ?
Vậy nên, hiểu được mình phải chết, rằng thời gian mình đếm ngược vậy đó, đồng hồ đang điểm tích tắc từng giờ, mình có thay đổi được gì chuyện đó không? Dĩ nhiên là không. Và thay vì ngồi lo lắng nhìn cái đồng hồ đó, hay nghĩ đến chuyện hưởng thụ cho đã đời mọi thứ trên đời, thì hãy nghĩ đến việc phải sống làm sao cho xứng đáng là một con người đúng nghĩa, nhằm đạt được cái quí giá nhất mà con người có thể tạo ra được cho vũ trụ này.
   Hãy tưởng tượng như mình là thủy thủ đang trên một con thuyền nước sông chảy xiết, không sao chèo ngược lại, không sao thoát khỏi thuyền mà lên bờ được, và có những con thuyền khác lớn hơn mình, vĩ đại hơn mình cũng gặp số phận tương tự: phải ngoan ngoãn chịu trôi theo dòng nước và đến một cái thác rất dốc; quanh cái thác tỏa một làn sương mờ ảo khiến cho người đến sau không thể nào thấy được các thuyền đi trước đã đổ xuống thác như thế nào, tiếng nước chảy cũng quá mạnh khiến họ cũng không đoán được số phận các thuyền khác ra sao; nhưng họ chưa từng nghe ai đã xuôi thác mà trở về nói cho họ biết điều gì bên kia thác, và bằng kiến thức thông thường họ đoán biết rằng cái thác rất sâu, nguy hiểm và đáng sợ thế nào. Và kìa, con thuyền nhỏ bé của bạn sắp đến thác rồi! Bạn làm gì đây? Lo lắng, sợ hãi, hoang mang tột độ, dặn mọi người cắn xé áo quần, khóc lóc than vãn, cầu khẩn Chúa cho bạn thoát khỏi cảnh tượng trước mắt. Hay bạn mặc kệ, đâm ra nhậu nhẹt, gây gổ, làm tình bừa bãi, tạo ra cuộc giết chóc, hãm hiếp, cướp bóc trên tàu? Hay bạn giữ vững đức hạnh, như một thủy thụ thực thụ, cầm tay lèo lái con thuyền cho tốt trên hải trình có lẽ là cuối cùng của nó, cùng lúc giữ trật tự trên tàu cho ổn định, dặn mọi người hăng say cầu nguyện xin Chúa chăm sóc linh hồn và ban cho sự can đảm? Rồi dĩ nhiên cả 3 con thuyền theo 3 trường hợp khác nhau ấy cũng sẽ trôi vào thác, rơi xuống, và sau đó… thì không ai biết được, có lẽ không còn gì để lại. Nhưng con thuyền nào mới là con thuyền bình yên, vững chãi nhất- thủy thủ của nó là người giỏi giang, điềm đạm nhất, thì con thuyền và người lái thuyền ấy mới là hạnh phúc chân thực nhất.
Về đời người, thời gian sống là một thời điểm, vật chất luôn trong 1 dòng chảy, và tri giác thì mờ nhạt, và những thứ cấu thành nên toàn bộ cơ thể này rồi cũng sẽ hư nát, linh hồn thì như một cơn gió lốc (đến rồi đi), tương lai thì không thể đoán định, và công danh là một thứ thiếu sự suy xét. Nói tóm lại, mọi thứ thuộc về cơ thể như một dòng chảy, mọi thứ thuộc về linh hồn thì là ảo mộng và hơi sương, mà cuộc đời là một mặt trận và nơi dừng chân của lữ khách xa lạ, mà thứ người ta để lại cho đời chỉ là sự lãng quên (hư vô). Nếu vậy thì cái gì điều khiển một con người? Một và chỉ một thứ duy nhất, triết học. Nhưng thứ này bao gồm giữ daemon trong một con người xa khỏi bạo lực và không bị thương tổn, vượt lên trên nỗi đau và khoái lạc, không làm gì mà không có mục đích, cũng không giả dối hay đạo đức giả, cũng không cần đến người ta làm hoặc không làm bất cứ cái gì cho mình; và bên cạnh đó, là chấp nhận mọi điều đã xảy ra, mọi thứ đã được an bài khi chúng đến từ nơi chúng tự phát xuất; và sau cùng, chờ đợi cái chết với một tinh thần vui vẻ bởi cái chết chỉ là sự tan rã của những thứ tạo nên ta. (Cứ tự hỏi xem) nếu việc các nguyên tố (tức những thứ tạo nên ta) tự biến đổi liên tục (là quy luật vũ trụ và là điều tự nhiên) không có hại gì, thì cớ gì một người phải lo lắng về sự biến đổi hay tan rã của chúng? Bởi vì đó là tự nhiên, và không có gì xấu khi (chúng ta, một phần nhỏ bé trong vũ trụ) thuận theo tự nhiên.
---Meditations, Marcus A.A. Augustus

No comments:

Post a Comment