Tuesday, 28 September 2021

TRIẾT HỌC: PLATO CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI ĐỀ RA LÝ THUYẾT CHO CHÍNH QUYỀN TOÀN TRỊ? (P.2)

 Phỏng dịch từ "Is Plato a theorist for totalitarian government?" trong Routledge Philosophy Guidebook to Plato and The Republic của Nickolas Pappas.

2/ Các khác biệt:

Trong khi có những điểm tương đồng đã kể, ta cần nhớ rằng sự hợp nhất hữu tương của Nhà nước kiểu Plato thiếu đi nỗi hoài niệm điên cuồng được tìm thấy trong mô hình chủ nghĩa phát xít hiện đại, và khi suy xét mọi lời giảng giải của Plato về quyền hạn của nhà lãnh đạo, quyền lực này vẫn ít hơn nhiều khi so với trong chế độ toàn trị.

Trước hết, sự hợp nhất quốc gia qua kêu gọi của lãnh đạo phát xít không phải là một hiện tượng tự bộc phát, mà là ảo tưởng xã hội học về những hình thái sinh sống cộng đồng cổ xưa đã bị đánh mất trong thế giới hiện đại. Lời hùng biện đầy giả dối của phát xít phản bội nỗ lực áp đặt giấc mơ cộng đồng đó bằng vũ lực. Khi so sánh, cái ý tưởng của Plato rằng cộng đồng là một gia đình mở rộng đã hiện diện sẵn trong thành Athen thời đó. Nhân dân của mọi thành phố Hi Lạp nhìn nhận chính họ đều thuộc dòng dõi của một phả hệ duy nhất. Plato không đáng phải nhận sự soi xét đặc biệt nào chỉ vì ông lặp lại não trạng của con người thời ông, cũng như không đáng bị gắn mác "phát xít"; một điều làm cho tinh thần yêu nước của chủ nghĩa phát xít hiện đại nguy hiểm là vì sự áp đặt cứng nhắc một truyền thống xa lạ vào bối cảnh xã hội đương thời.

Đồng thời hoàn toàn có thể khẳng định rằng Cộng hòa không chứa ẩn ý nào về phân biệt chủng tộc. Sự phân biệt của dân Hi Lạp trong các tác phẩm Plato giữa họ và các "dân tộc man di khác" chỉ là một định kiến dân tộc mà không bao gồm học thuyết dân tộc. Thật vậy, người sống cùng thời với ông trong chế độ dân chủ dùng thứ ngôn ngữ mang đậm sự phân biệt chủng tộc (hoặc chủ nghĩa quốc gia) hơn Plato nhiều. Điếu văn nổi tiếng của Pericles, khi trích dẫn Lịch sử Cuộc chiến Peloponnisos của Thucydides, đã tuyên dương người dân Athen có đức hạnh quân sự mà người Sparta không thể bì kịp. Người Sparta liên tục tập luyện cho chiến tranh và người Athen thì không- vậy thì sự trỗi vượt của dân Athen dựa trên đâu? Pericles ngụ ý mạnh mẽ, theo cách thức giống một nhà chủ nghĩa dân tộc hiện đại, rằng khác biệt đức hạnh này là do khác biệt về bản chất: chỉ cần là con dân Athen thì bạn đã có phẩm chất vĩ đại hơn.

Hơn nữa, Plato không cá nhân hóa nhà nước đến mức đòi hỏi sự trung thành phi lý trí từ công dân của nó. Nếu các triết gia mà sinh ra tại những thành bang sẵn có không nợ trách nhiệm phục vụ nhân dân với cộng đồng đó (520b), thì nghĩa vụ tham chính phải dựa trên công trạng của thành phố đó. Và trong Quyển 9, Socrates thừa nhận rằng một người chỉ nợ lòng trung thành với một thành phố được lãnh đạo tốt, hoặc với một mô hình của thành phố đó trong linh hồn (591d-e). Bất kì ai có trí tuệ sẽ chỉ quan tâm đầu tư cho chế độ này, và "sẽ không phải bận tâm chính sự" trong thành bang đã tồn tại sẵn (592a, 592b). Một học thuyết cho rằng tình cảm công dân chỉ phù hợp trong một thành phố cai trị tốt không thể tương đương với quan điểm một người thờ phượng tổ quốc là đúng hay sai.

Sự tức giận thời nay đối với điểm nhấn mạnh của Plato về tình trạng hiệp nhất có lẽ sẽ làm Plato bối rối. Với Plato hiệp nhất là một tình trạng cần thiết của chính trị. Thành phố tồn tại là để bù trừ cho những thiếu hụt từng các thành viên trong đó. Khi ông nhấn mạnh về thống nhất, do đó, ông không hiểu là phải đặt một giá trị lên trên các giá trị khác, nhưng là nắm giữ giá trị nào giúp cho cộng đồng tồn tại. Dựa trên cách các công dân của chế độ dân chủ kêu gọi sự đồng thuận rộng rãi về những vấn đề quan trọng, thì sự đồng thuận đó chính nó không phải là toàn trị. Và lưu ý rằng không có sự cưỡng ép đồng thuận. Plato rất cố gắng để giữ cho quân đội không khủng bố người dân, trên nền tảng rằng một nhà nước tốt sẽ dựa vào thuyết phục chân chính hơn là vũ lực (548b, 552e).

Về các tuyên ngôn cho quyền lực nhà nước Plato- và chúng thì quan trọng- ta nên nhớ rằng phần lớn trong đó chỉ đề cập đến giai cấp thống trị. Mọi NN toàn trị có một tầng lớp thống trị; nhưng không có NN nào trong đó đặt những luật bất công và ngược đãi chỉ cho giai cấp thống trị và để đại bộ phận dân chúng sống cuộc đời họ vốn có. Không có NN nào phân ly quyền lực kinh tế ra khỏi quyền lực chính trị- thật vậy, học thuyết Marx cho rằng sự phân ly là không thể xảy ra. Không có NN nào bắt đầu với sự chuẩn bị kĩ lưỡng để tránh chính quyền rơi vào tay của một gia tộc. Chỉ có NN của Plato mới có những chuyện đó thôi.

Những khác biệt khác giữa Plato và các nhà toàn trị hiện đại có vẻ quá nhỏ nhặt để cần nhắc đến, nhưng đủ để làm cho ta thấy tệ nhất thì Plato cũng chỉ là tiền thân của học thuyết chuyên chế (authoriatian), chứ không thể là một nhà toàn trị học. Trước hết, một sự thật hiển nhiên rằng chủ nghĩa toàn trị chỉ mới khả dĩ trong thời hiện đại, bởi thời nay nó mới có đủ những công cụ nó cần. Hệ thống điện thoại, TV, và súng ống giúp nhà nước theo dõi dân chúng, oanh tạc dân chúng với thông tin sai lệch, và để dân ngoan hiền như cừu qua việc họ gặp nhiều bất lợi khi dám đối mặt chính quyền. Chưa kể những công cụ nhanh hơn và tinh vi hơn của nhà nước tàn bạo hiện đại. Nếu Plato biết về những công cụ này có lẽ ông sẽ sử dụng nó; tuy nhiên, ông không có chúng và ông phải phác thảo một thực thể chính trị rất khác về cách thức, chứ không chỉ khác về mức độ, so với NN toàn trị. Trong một thế giới khác ông có lẽ đã đề xướng một bộ máy nhà nước đáng sợ, nhưng ở thế giới này nói ông đi mô tả NN toàn trị chẳng khác gì nói ông làm thơ Song Thất Lục Bát.

Điểm thứ hai, Cộng hòa hầu như thiếu một cách xuyên suốt một nguyên liệu quan trọng cho dung mạo NN toàn trị, mang tên là sự chú ý bệnh hoạn đến các chi tiết. Nghĩ đến gian kế của Ezra Pound về tem và bài để ngăn dân tích trữ tiền bạc trong ngân hàng; các cấm đoán độc tài của Stalin về toán học mà các chiến lược gia kinh tế Soviet được phép sử dụng; sự xác định kì quái của Nazi về những ai được xem là người Do Thái. Những ám ảnh về cấu trúc chính trị này, qua việc thi hành quyền lực trong những điều nhỏ nhặt, không hề tìm thấy trong Cộng hòa. Plato mắc cái lỗi diễn đạt mập mờ, chứ không phải là đưa ra chi tiết kĩ càng, và do đó cho thấy sự thiếu nồng nhiệt của ông với việc thực hành cai trị nhà nước.

  Sau cùng, có những người nói Plato là nhà toàn trị bởi vì ông tin rằng những dự luật đạo đức có thể được biết đến chắc chắn như toán học. Plato rõ là có tin; nhưng tin không có biến ông thành nhà độc tài mà không kết tội đại bộ phận tín ngưỡng tôn giáo, và phần lớn học thuyết đạo đức. Có lẽ niềm tin của Plato là sai, thậm chi sai một cách nguy hiểm; nhưng gọi đó là toàn trị là hoàn toàn thiếu công bằng, không chỉ cho ông mà cho các tín đồ của những chuẩn mực đạo đức khách quan chưa từng rơi vào niềm tin hay thực hành toàn trị.

 3/ Các điểm đáng lo ngại còn lại về chính trị Platon:

Một điểm đáng lo ngại chưa kể đến là về phong cách tư duy chính trị của Plato. Ông cùng một giuộc với các triết gia chính trị thời Khai sáng vì tin rằng truyền thống không có tác dụng có ích gì về mặt chính trị; và "chính trị như thường lệ" (politics as usual: con vua thì lại làm vua...) là một thứ ác độc cần nên tránh. 

Khi Socrates kêu gọi mọi người trên 10 tuổi bị lưu đày khỏi thành phố, và các triết gia "nhồi sọ" những đứa trẻ còn lại (540e-541a), ông bỏ hết mọi nghi ngờ về trân trọng giá trị truyền thống trong nhà nước của mình. Cộng hòa vẫn giữ lại vai trò Delphi, nhưng ngoài ra không còn lại gì cho truyền thống mà người đương thời của Plato vốn tự hào. Chính quyền toàn trị không muốn sự trì trệ nào trên con đường phát triển xã hội mới; truyền thống, dù tốt hay xấu, đều được xem là gây ra sự trì trệ đó. Plato thúc ép triết lí chính trị phải từ chối những tập quán mà chưa từng bị bãi bỏ, và điều đó đã tự thể hiện qua những triết lí ngày nay ta gọi là chính quyền toàn trị.

Plato cũng không nghĩ về những thực trạng của chính trị vốn có. Ông không phải nhà tư tưởng chính trị, nên không hề giả định về sự đối lập đảng phái. Sự hờ hững này có lẽ là di sản nguy hiểm nhất của Cộng hòa. Nó giải phóng vào trong các hoạt động chính trị một thói quen nhắm đến kết quả bằng mọi cách thức. Đây tinh thần này làm cho triết lí chính trị bị phân ly với chính trị thực tế, hoặc chỉ tìm thấy sự hòa hợp của cả hai trong nhà nước toàn trị: miễn là học thuyết tự đặt ra tác vụ mô tả một thế giới không chính sự, nó có khả năng được thực hành bởi các nhà toàn trị.

No comments:

Post a Comment